THƯƠNG XÁ TAX
Thương xá Tax nguyên thủy được khởi công xây từ năm 1880, sau đó được tái thiết kế và xây dựng lại vào năm 1924, lúc ấy có tên Les Grands Magazins Charner (GMC). Mặt tiền của tòa nhà có gắn tháp đồng hồ theo kiến trúc của Pháp, pha trộn những đường nét văn hoá Á Đông với mái cong trên tháp.
GMC tọa lạc tại vị trí đẹp nhất của trung tâm Sài Gòn, tại góc đại lộ Charner và Bonnard, kinh doanh các mặt hàng bazar sang trọng được nhập khẩu chủ yếu từ Anh, Pháp và các nước phương tây nhằm phục vụ cho giới nhà giàu Pháp, Hoa, thượng lưu Sài thành và các đại điền chủ Lục tỉnh Nam kỳ vào thời kỳ đó.
Ngày 27/11/1924, báo chí thông báo rầm rộ ngày khai trương trung tâm thương mại GMC, một sự kiện đáng ghi nhớ của Sài Gòn.
Tháng 10/1925 GMC gắn thêm một hệ thống còi điện để phát loa mỗi khi có tin mới từ chính quốc báo sang.
Từ năm 1934 bảng hiệu GMC được gắn thêm dưới tháp vòm đồng hồ.
Năm 1942 việc kinh doanh trở nên thịnh vượng, người chủ GMC quyết định xây thêm một tầng lầu. Tháp đồng hồ và mái vòm được tháo dỡ, thay vào đó là hàng chữ GMC. Tòa nhà đã mất đi đường nét kiến trúc Á Đông.
Đến năm 1960, trung tâm thương mại GMC chính thức đổi tên thành Thương Xá TAX, tọa lạc 135 đại lộ Nguyễn Huệ, quận 1. Bên trong toà nhà là các gian hàng chia cho các tiểu thương thuê buôn bán các mặt hàng thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Ít ai biết được thập niên 1960 thời Việt Nam Cộng Hoà, Tổng giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục ủy quyền cho Viện Đại học Đà Lạt mua lại Thương xá Tax, từ đó trở thành bất động sản của Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Sau cuộc đảo chính 1963 chính quyền mới tịch thu thương xá này và tiếp tục cho thương nhân thuê lại kinh doanh.
Sau Giải phóng 1975 với chính sách tập trung kinh tế, cấm tiểu thương buôn bán , Thương xá TAX bị giải thể. Tòa nhà được giao về cho UBND thành phố quản lý, không còn là địa điểm kinh doanh sầm uất, mặt bằng thỉnh thoảng được tận dụng làm không gian trưng bày các mặt hàng, máy móc công nghiệp do các đơn vị quốc doanh sản xuất.
Đến năm 1978, trong bối cảnh thời bao cấp, Thương xá TAX trở thành một công ty quốc doanh mang tên "Cửa hàng Phục vụ Thiếu nhi Thành phố", người bán hàng được gọi là mậu dịch viên, thắt khăn quàng đỏ như thiếu nhi để bán mặt hàng chính là đồ chơi cho trẻ em.
Đến năm 1981, cửa hàng này đổi tên thành "Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố" do Sở Thương Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh sở hữu.
Đến năm 1997 lại đổi tên thành "Công ty Bán lẻ Tổng hợp Sài Gòn" do Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) quản lý.
Mãi đến 1998, tên gọi Thương xá TAX mới được phục hồi như xưa và đượᴄ đại tᴜ năm 2003 để tɾở thành một tɾᴜnɡ tâm thươnɡ mại sầm uất.
Giữa năm 2014, bà Trần Thúy Liên, Giám đốc Thương xá Tax, cho biết toà nhà sẽ được tháo dỡ nhằm xây một cao ốc 40 tầng có tên Satra Tax Plaza, và dự án thi công nhà ga Metro số 1.
Đúng 14 giờ ngày 25/9/2014, loa thông báo của ban quản lý vang lên: “Thương xá Tax ngừng hoạt động”. Cơn mưa lớn vào buổi trưa đó khiến nhiều người có mặt tại Thương xá Tax thêm chạnh lòng và luyến tiếc, nước mắt đã rơi trên mặt những người yêu quý thương xá này.
Ngày 11/10/2016, quá trình đập bỏ thương xá được tiến hành. Sự kiện đã gây nhiều tiếc nuối với những người yêu kiến trúc Sài Gòn xưa. Phương án tháo dỡ những hạng mục cần bảo tồn được chọn là "bóc tách toàn bộ gạch mosaic và lắp đặt lại trên kết cấu cầu thang mới". Công việc này đã được Bộ môn khảo cổ học - Khoa lịch sử (Đại học KHXH&NV TP HCM) thực hiện và hoàn thành trong 3 tháng.
Các hạng mục được chọn để bảo tồn bên trong công trình bao gồm sảnh chính và không gian thông sảnh giữa tầng trệt và tầng một, tay vịn bằng đồng nguyên bản, lan can, thảm gạch mosaic phong cách Ma-rốc ở cầu thang, và các biểu tượng gà trống và hình quả cầu được đúc bằng đồng.
Sau khi tháo dỡ Thương xá Tax, khu đất này bị bỏ trống đến nay, đã 2 lần UBND quận 1 đề xuất dùng khu đất này làm bãi giữ xe phục vụ nhu cầu người dân tham quan phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Ít người biết rằng tòa nhà bách hóa GMC hay Thương xá TAX có một người “anh em” ở Paris, đó là thương xá Galeries Lafayette, được xây dựng và hoàn thành năm 1912, trước GMC khoảng 10 năm, có kiến trúc khá tương đồng, đặc biệt là có chung chủ sở hữu là công ty Société Coloniale des Grands Magasins.
Cả 2 thương xá, ở Sài Gòn và Paris đều nằm ở góc đường, cao như nhau, từng có chóp và đồng hồ khổng lồ, đều gần nhà hát Opera nằm ngay trung tâm thành phố. Nếu nhìn phong cách kiến trúc từ trong ra ngoài, ai cũng nghĩ rằng 2 thương xá do cùng một người thiết kế. Tuy nhiên số phận 2 tòa nhà này rất khác nhau. Cho đến ngày nay, nếu như GMC Thương xá TAX chỉ còn là dĩ vãng thì thương xá Galeries Lafayette vẫn là trung tâm mua sắm mà hầu như không du khách nào ở Paris không biết tới.
THƯƠNG XÁ EDEN - PASSAGE EDEN
Khu tứ giác Eden với 5 tầng lầu ở trung tâm quận 1 được xây dựng khoảng năm 1955 (hình), được giới hạn bởi 4 con đường sang trọng nhất Sài Gòn thuở ấy: Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn và Tự Do.
Cư dân ở 4 tầng trên, tầng trệt là Passage Eden gồm các cửa hàng sang trọng bán quần áo thời trang, giày dép, đồ da cao cấp… rạp xi-nê Eden ra vào cửa chính đường Tự Do và cửa phía đường Lê Lợi, các dãy hành lang ngang dọc ăn thông qua đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ.
Xi-nê Eden có pano giới thiệu phim trên đường Nguyễn Huệ cạnh tranh với rạp Rex đối diện bên kia đường. Hai rạp này sau năm 1975 vẫn tiếp tục chiếu phim mười mấy năm nữa mới chuyển đổi công năng.
Năm 2012, Thương Xá Eden bị đập bỏ sau nhiều tranh cãi. Tại đây, người ta dựng nên tòa nhà Union square hoành tráng, một shopping center cao cấp với nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng cao cấp và nổi tiếng thế giới. Song những thương hiệu đó không thể thay thế được những tên tuổi từng hiện diện nơi này hơn 60 năm như hiệu bánh và cà phê Givral, cà phê La Pagode, nhà sách Xuân Thu, rạp hát Eden…
THƯƠNG XÁ TAM ĐA - CRYSTAL PALACE
Thương xá Tam Đa có 6 tầng lầu, được xây dựng vào năm 1968, có tên là Crystal Palace. Đây là một khu thương mại đắc địa, tọa lạc tại 101 Công Lý trên khu đất được bao bọc bởi các trục đường Công Lý, Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực và Lê Thánh Tôn tại quận 1. Khu thương mại này được thiết kế bởi kiến trúc sư tài năng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam là Ngô Viết Thụ.
Crystal Palace khác với những khu thương mại trước đó bởi nơi đây không chỉ buôn bán mỹ phẩm, hàng thời trang cao cấp mà còn là nơi những người yêu văn, yêu nhạc đến để gặp mặt những thần tượng của mình. Khu vực lầu 1 là quầy bán sách của một nhà văn có tiếng thời ấy.
Bên cạnh đó là quầy bán băng nhạc của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương. Mỗi khi có dịp ra băng mới người ta thấy có mặt ông và cả người vợ xinh đẹp là cô phát ngôn viên truyền hình Như Hảo.
Lên lầu 2, dân mê nhạc trẻ sẽ không bỏ qua phòng thu băng hiện đại của Jo Marcel phối hợp cùng kịch sĩ Nguyễn Long. Nơi đây, những cuộn băng nhạc trẻ nước ngoài, Việt được chàng ca sĩ Jo thực hiện bằng những kỹ thuật hiện đại nhất lúc đó.
Sau năm 1975, Crystal Palace được giao cho ông Charles Đức làm Intershop – chuyên xuất khẩu và kiều hối.
Năm 1985 toà nhà được nâng cấp và sửa chữa, được sử dụng làm toà nhà văn phòng cho thuê, một trung tâm mua sắm với 172 quầy mua bán vàng bạc đá quý. Ngoài ra còn có vũ trường Blue, sân trượt băng và nhà hàng, căng tin.
Đến năm 1991 Intershop giải thể do làm ăn không hiệu quả. Từ năm 1992 Công ty Vàng bạc Đá quý TP.HCM điều hành toà nhà với tên mới ITC.
Trưa ngày 29/10/2002 lúc 13 giờ 30 một trận hỏa hoạn khủng khiếp thiêu rụi toà nhà ITC, cướp đi sinh mạng 60 người, hơn 70 người bị thương do bỏng, ngạt và có cả những trường hợp do nhảy lầu vì không chịu nổi sức nóng của ngọn lửa kinh hoàng, thiệt hại tài sản gần 32 tỷ đồng. Những con số quá khủng khiếp và ám ảnh...
Trong lúc sửa chữa vũ trường Blue, thợ hàn đã vi phạm các quy định về phòng cháy, gây cháy và không kiểm soát được ngọn lửa. Điều đáng nói là thay vì ngay lập tức tìm cách ứng cứu và hỗ trợ của lực lượng PCCC thì họ đã... đóng kín cửa mặc kệ cho đám cháy lan rộng.
Phiên toà ITC đã xử bị can Paul Nguyễn, Việt kiều Mỹ, chủ vũ trường Blue và 10 bị can khác về tội vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Phiên tòa kết thúc, các bị can đã phải nhận trách nhiệm trước pháp luật về những tắc trách gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Sau vụ cháy, tòa nhà ITC đã bị sức nóng và ngọn lửa xâm hại quá nhiều, các khối bêtông bị tác động mạnh, nứt và hư hỏng, không thể phục hồi nên đã bị đập bỏ.
Năm 2007, UBND TP. Hồ Chí Minh cấp phép Dự án xây dựng Toà tháp SJC trên nền cũ của toà nhà ITC, gồm 54 tầng, cao 208m, bao gồm tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ, nhà hàng…
Tuy nhiên, dự án bị đình trệ nhiều năm, mãi đến năm 2016 mới chính thức được khởi công, dự kiến hoàn thành sau 4 năm. Đến nay 2022 dự án vẫn im ắng…
コメント