VƯỜN HOA CON CÓC - HÀ NỘI
Vườn hoa Con Cóc nằm đối diện Nhà Khách Chính Phủ (trước là Bắc Bộ Phủ), Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam và Khách sạn Métropole. Ít ai biết vườn hoa này là nơi đặt di hài của Léon Jean Laurent Chavassieux (1848 – 1895), phó Toàn quyền Đông Dương xưa kia. Vườn hoa từng được đặt tên là quảng trường Chavassieux, công trình do người Pháp xây nhằm tưởng nhớ đến ông Chavassieux.
Ngày 29/9/1899, Hội đồng Thành phố Hà Nội họp bàn việc chọn vị trí dựng đài phun nước với mong muốn nơi đây sẽ trở thành nơi tổ chức các lễ hội và vui chơi của công chúng, đem lại dấu ấn nghệ thuật hấp dẫn cho người Âu và người bản xứ. Sau khi thảo luận, Hội đồng đã quyết định chọn vị trí đài phun nước nằm đối diện với dinh Thống sứ Bắc Kì và giới hạn bởi các đại lộ Henri Rivière (Ngô Quyền), Courbet (Lý Thái Tổ) và phố Cựu Lâu (Lê Thạch).
Năm 1901 người Pháp cho xây ở giữa vườn hoa một đài phun nước, có một trụ đá to hình vuông, cao khoảng 3,5m. Ở giữa và trên trụ đá ấy chính là tiểu sành đựng di hài của Chavassieux. Xung quanh có những con cóc bằng đồng phun nước lên trụ đá, các họa tiết trang trí cổ điển, một sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc của phương Đông và phương Tây. Đặc biệt, hình tượng 8 con rồng được điêu khắc tinh xảo chầu về 4 hướng ở chân trụ đá thể hiện sức mạnh và sự uy nghiêm trong văn hóa phương Đông.
Năm 1931 cặp uyên ương "siêu sao" của thời đại, vua hề Sác-Lô Charlie Chaplin và nữ minh tinh màn bạc Holywood Paulette Goddard hưởng tuần trăng mật tại Khách sạn Metropole. Người dân Hà Nội khi đó đã kéo đến xem hai người đi dạo trên vườn hoa Con Cóc. Ông sánh bước cùng người đẹp trong bộ áo véc chỉnh tề chứ không phải với chiếc mũ phớt, ba -tong, giầy dài quá cỡ...
Sau 1945, vườn hoa được đổi tên thành Vườn hoa Diên Hồng. Cho đến nay, sau hơn 100 năm tồn tại, đài phun nước vẫn giữ được những nét đẹp xưa, là địa điểm lý tưởng cho cô dâu chú rể chụp ảnh, là nơi vui chơi giải trí, thể dục của người dân Hà Nội.
Vài năm trở lại đây, trụ đá đài phun nước đã bị xuống cấp, cơ quan quản lý đã cho đeo những dây đai bằng thép xung quanh cột để gia cố chống sập. Theo thời gian, các dây đai cũng đã hoen rỉ, nhiều vết nứt ngày một rõ hơn do bị ăn mòn bởi nước phun vào hàng ngày.
Chúng ta sẽ có biện pháp gì đây?
Updated 27/6/2020
ĐÀI PHUN NƯỚC LONG VÂN - HÀ NỘI
Cách hồ Hoàn Kiếm vài bước, giữa quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục có một đài phun nước gắn liền với ký ức người Hà Nội qua nhiều thế hệ. Đài phun nước Long Vân có 3 tầng hình trong bằng đá, do người Pháp xây khi qui hoạch bờ hồ năm 1954.
Vào những năm 1960-70 đài phun nước từng được lấp đất trông cây, rồi xây lại bệ bằng bê tông và đặt lên đó một cột đồng hồ (ngày nay yên vị tại vòng xuyến đầu cầu Chương Dương)
Cuối năm 1980, đài được khôi phục lại chức năng đài phun nước như xưa và đến 1990 được tu sửa và dựng rào chắn quanh đài.
ĐÀI PHUN NƯỚC HÌNH RỒNG - CỐ ĐÔ HUẾ
Bên bờ sông Hương, đối diện với Kỳ đài của Hoàng thành Huế, có một đài phun nước bằng đá, được người Pháp xây dựng vào năm 1936.
Công trình do kiến trúc sư Pháp Raoul Desmarets thiết kế, là sự kết hợp bất ngờ giữa kiến trúc phương Tây và văn hóa truyền thống phương Đông. Đài phun nước có hai phần, gồm một bể nước hình bông hoa bốn cánh và bệ đài ở giữa.
Bệ đài là một cấu trúc hình trụ tứ giác, bốn mặt có bốn tượng rồng được tạo hình khá tinh xảo.
Để tạo hình những con rồng này, kiến trúc sư Raoul đã phải tham khảo rất nhiều hình tượng rồng ở kinh thành Huế. Theo quan niệm phương Đông, rồng là biểu tượng cho quyền lực vua chúa. Việc đưa hình tượng rồng vào một công trình kiến trúc kiểu phương Tây là một điều khá hiếm gặp ở Việt Nam thời thuộc địa.
Điều thú vị là đài phun nước hình rồng được xây vào thời Bảo Đại, vị vua chịu ảnh hưởng mạnh của văn hóa Pháp. Xét trên phương diện này thì đây là một công trình rất "hợp thời".
Phần chóp của đài phun nước được trang trí bằng một số hoa văn phương Đông giản lược. Đỉnh chóp từng có một đóa hoa sen, nay không còn nữa. Trải qua một thế kỷ thăng trầm, nhiều công trình lớn ở kinh thành Huế đã sụp đổ, đài phun nước cổ này vẫn đứng vững như thách thức thời gian.
Đây cũng là một trong số rất ít đài phun nước có từ thời thuộc địa còn được bảo tồn ở Việt Nam.
Updated 2/7/2020
ĐÀI PHUN NƯỚC NGUYỄN HUỆ - SÀI GÒN
Tại giao điểm đại lộ Nguyễn Huệ – Lê Lợi, có một bùng binh, ở giữa là đài phun nước rất quen thuộc với dân Sài Gòn trước 1975.
Những bưu ảnh đầu thế kỷ XX cho thấy nơi đây ban đầu là một bục cao hình bát giác, mỗi chiều thứ bảy có người lính đến chơi nhạc Tây cho dân chúng nghe, nên nó được gọi là Bùng binh Bồn Kèn.
Sau đó, bùng binh được sửa thành một vòng xoay giao thông, với đài phun nước ở giữa, khu vực xung quanh là những công trình biểu tượng Sài Gòn xưa...
Công trường Lam Sơn trước Nhà Hát Thành Phố
Passage Eden
Thương xá TAX
Tòa Đô Chánh với công viên Đống Đa
Sau năm 1975, xung quanh hồ được trồng những cây liễu rũ cành lá xuống, nên được gọi là Bùng binh Cây Liễu.
Đến tháng 7/2014, bùng binh Cây Liễu bị phá bỏ để thi công đoạn ngầm của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Đến tháng 3/2019, TP. HCM chỉnh trang lại không gian trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, trong đó có hạng mục xây đài phun nước tại vị trí cũ, xung quanh là bồn hoa, tiểu cảnh và ghế đá.
Comments